Mộ Chí Sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc ở phía tây núi Thiên Ấn, cách cổng tam quan chùa Thiên Ấn khoảng 100m, được bao bọc bởi rừng cây và hướng ra dòng sông Trà Khúc. Khuôn viên mộ thoáng rộng, nền được lát đá phẳng phiu, bên mộ là hai hàng cây đại (hoa sứ) tỏa hương ngan ngát quyện cùng trầm nhang. Trước mộ có hai khóm trúc lao xao mang lại khung cảnh làng quê rất đỗi thân quen.

Mộ Huỳnh Thúc Kháng
Mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (sinh năm 1876, tại làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, H. Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) thuở nhỏ đã nổi tiếng văn hay chữ tốt. Năm Canh Tý 1900, cụ dự thi Hương và đậu Giải nguyên. Bốn năm sau, vào năm Giáp Thìn 1904, cụ đỗ Hội nguyên Hoàng giáp (tiến sĩ). Cụ Huỳnh giữ vai trò quan trọng trong Phong trào Duy Tân. Năm Mậu Thân 1908, cụ bị bắt rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921) mới được trả tự do. 

mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng
Du khách viếng thăm mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng

Cụ là người sáng lập, kiêm chủ nhiệm và chủ bút báo Tiếng Dân. Năm 1946, tham gia chính phủ Liên hiệp với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, thời gian ngắn làm quyền Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 21-4-1947, trong khi làm đại diện Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đi kinh lý tại Quảng Ngãi, cụ Huỳnh mất tại TT Chợ Chùa, H. Nghĩa Hành và được an táng trên núi Thiên Ấn theo tâm nguyện của cụ. Năm 1990, mộ cụ Huỳnh cùng với chùa và núi Thiên Ấn được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.

Tiếng Dân
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân

Được biết, người “hướng dẫn viên đặc biệt” là cụ Nguyễn Tạo đã lên chăm nom và làm hướng dẫn viên cho khách tham quan mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng hơn 2 năm nay. Cụ Tạo đã được 81 tuổi nhưng còn khá khỏe mạnh, bởi dù nắng hay mưa thì mỗi ngày ông đều đạp xe gần 5km từ nhà đến chân núi Ấn, rồi leo gần 2km đường dốc lên núi để giới thiệu về di tích lịch sử núi Ấn sông Trà, giới thiệu chùa Thiên Ấn và kể tiểu sử của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng cho mọi người cùng nghe.

Huỳnh Thúc Kháng
Cụ Nguyễn Tạo đứng bên cạnh bia mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Những đoàn khách đến rồi đi. Nhiều người trong số đó có ấn tượng rất tốt với con người mộc mạc, dễ gần và công việc rất đỗi bình thường nhưng “xưa nay hiếm” của ông Nguyễn Tạo. Những câu chuyện về núi Ấn sông Trà, về nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng qua lời kể của ông Tạo có sức gợi của một người đọc nhiều, có phương pháp hệ thống hóa về tri thức, đặc biệt là có cái tình của người yêu quê hương xứ sở núi Ấn sông Trà và sự ngưỡng vọng đối với bậc có chí bền, đạo đức cao, “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” như cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Địa điểm khác trong vùng

Làng Cổ Thiên Xuân

Dấu tích ngôi làng cổ hiện nằm ở chân Núi Nứa thuộc thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành. Sau nhiều lần...

Thành Châu Sa

Quảng Ngãi có một thành cổ của người Chăm. Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa, vì thành cổ...

Đình Lý Hải

Đình làng An Hải nằm giữa xóm Trung Yên và Trung Hoà, xã An Hải, được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên 1820....

Mộ Chí Sĩ Huỳnh Thúc Kháng nằm trong

Quảng Ngãi

12 địa điểm ở đây

Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Đường bờ biển Quảng Ngãi có chiều dài...