Miếu Bà Chúa Ngọc

Dọc trên đường Xuyên Á đoạn qua thôn Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị có tấm biển ghi "Đền Huyền Trân Công Chúa cách 500m". Theo chỉ dẫn du khách vào làng sẽ thấy ngôi đình được xây dựng với quy mô tương đối lớn nằm cạnh một đường bê tông, trước mặt đền có một hồ nước, đối diện đền bên kia hồ nước có một giếng nước với bút tích là "Giếng Bàu Đá kiến tạo thế kỷ thứ XIV, trùng tu 2006" cũng nằm trong hệ thống di tích đền thờ.

Miếu Bà Chúa Ngọc
Bảng chỉ đường vào Miếu Bà Chúa Ngọc

Ngôi miếu xưa được dựng từ rất sớm với lối kiến trúc xây gạch theo kiểu vòm cuốn. Bộ mái đắp bằng vôi vữa được tạo thành 3 tầng, kiểu mái cong, các đầu đao vút lên, lợp ngói liệt, có đường cổ diêm giả. Đây là kiểu đền miếu mang phong cách thời Lê. Qua thời gian, ngôi miếu bị hư hỏng nặng nên từ năm 1998, nhân dân đã dựng lại ngôi miếu mới hoàn toàn theo kiểu kiến trúc chữ “Nhị” với hai nhà ghép song ngang, trước có đường cổ diêm và mái ngói giả.

Miếu Bà Chúa Ngọc
Miếu Bà Chúa Ngọc ngày nay

Chúa Ngọc là tên gọi được người Việt tôn xưng từ một vị nữ thần của người Chăm, thần mẹ xứ sở - Mẫu đất - Po yan Ynư Nagar. Những làng xã nông nghiệp ở miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng đa số đều có miếu thờ vị nữ thần này với cái tên gọi miếu bà chúa Ngọc, hay đúng hơn là miếu thờ bà Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi. Những ngôi miếu này thường được người Việt dựng lên bên trên các phế tích đền tháp Chăm, những dấu tích liên quan đến văn hóa Chăm hoặc những khu vực được coi là linh thiêng của các làng.

Miếu Bà Chúa Ngọc
Giếng Bàu Đá nay thuộc khu di tích Miếu Bà Chúa Ngọc

Bà Chúa Ngọc tồn tại trong không gian thờ cúng của người Việt Quảng Trị dường như ở khắp mọi làng xóm. Hàng năm vào các dịp tế làng, lể hội kỳ yên, bà Chúa Ngọc thuộc một trong những vị thần được nghinh rước về tế tại đình làng. Thần hiệu của Bà theo các sắc phong dưới thời Nguyễn có nơi đề là Thiên Y Ana Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi thượng đẳng thần, nhưng có nơi lại xưng là Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng thượng đẳng thần. Nhiều vùng quê Quảng Trị vẫn coi Bà Chúa Ngọc chính là Công Chúa Huyền Trân và nhiều nhà nghiên cứu cũng đã nhầm lẫn các CHỦ NGỌC MIẾU là những miếu thờ Công chúa Huyền Trân, dân Quảng Trị và cả Thừa Thiên ngưỡng vọng và tôn bà thành thánh; nhưng việc đồng nhất Bà Chúa Ngọc với Công Chúa Huyền Trân là cả một thái độ trân trọng đáng kính của người Quảng Trị đối với các vị thần Chăm. Đó là sự thể hiện tính cộng tồn văn hóa thông qua cách vừa diễn âm vừa chuyển nghĩa, cũng như khát vọng muốn thay thế một vị thần Chăm bằng một vị nhân thần Việt.



Miếu Bà Chúa Ngọc - Thiên YaNa Diễn Ngọc Phi là một tín ngưỡng thờ cúng Mẫu đất mang đậm dấu ấn về mối giao lưu văn hóa trong quan hệ 2 dân tộc Chăm - Việt từ lâu trong lịch sử  và đang sống mãi với thời gian. Đó là sản phẩm văn hoá tinh thần làng xã mang đậm ý thức tôn vinh, ngưỡng vọng nhằm thỏa mãn ước nguyện vươn tới hạnh phúc và ấm no.

Địa điểm khác trong vùng

Khu Di Tích Tổng Bí Thư Lê Duẩn Quảng Trị

Khu di tích lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là một di tích lưu niệm danh nhân của Đảng nằm bên bờ sông...

Hàng Rào Điện Tử McNamara

Hàng rào điện tử McNamara còn có tên khác là Cây nhiệt đới là tên gọi của hệ thống các thiết bị điện tử phát...

Nghĩa Trang Liệt Sĩ Đường 9

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là một trong những nghĩa trang liệt sĩ có quy mô lớn nhất ở Việt Nam, nằm...

Miếu Bà Chúa Ngọc nằm trong

Quảng Trị - Đông Hà

29 địa điểm ở đây

Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, nằm trên giao lộ của tuyến xuyên Việt và tuyến Hành...