Làng vườn Bách Thuận đến nay đã có hơn 100 năm tuổi đời, nằm cạnh dòng sông Hồng mang nặng phù sa, màu mỡ. Đây là một làng quê cổ tiêu biểu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng là làng vườn duy nhất của tỉnh Thái Bình còn lưu giữ nhiều nếp nhà Việt cổ và có nghề trồng cây cảnh lâu đời.\
Sân vườn của một ngôi nhà vườn ở làng Bách Thuận
Người dân Làng vườn Bách Thuận cho hay, từ xa xưa, ông cha họ đã sống bằng nghề làm vườn nên đây là nghề truyền thống đặc trưng của cả làng, hầu như mỗi nhà đều sở hữu một vườn cây rộng từ 2ha đến 5ha, với các loài cây ăn quả, xen lẫn với cây cảnh, cây thế được chăm sóc, uốn tỉa công phu.
Cây nhót được trồng phổ biến tại làng vườn Bách Thuận
Làng Bách Thuận không giống như các xã khác trong tỉnh là diện tích đất ruộng lớn hơn đất vườn, mà diện tích đất vườn ở đây nhiều hơn diện tích cấy lúa. Ðến Bách Thuận, du khách như lạc vào một công viên thu nhỏ với đủ các gam màu đậm nhạt... Dọc hai bên đường làng là rất nhiều cây với màu sắc khác nhau, màu xanh thẫm của ngâu, màu đỏ của hoa mẫu đơn, cây ngũ sắc... Thiên nhiên đã ưu đãi cho Bách Thuận phát triển nghề vườn truyền thống.
Màu vàng cam nổi bật giữa làng vườn Bách Thuận
Ngoài ra, du khách sẽ choáng ngợp với hàng trăm loại cây trái nối tiếp nhau, kéo dài như vô tận như: táo, ổi, roi, mận, chanh, nhãn, vải, hồng xiêm, cam, quýt, nhót... rất phù hợp với vị giác của các chị em. Còn các đấng mày râu có thể ngồi câu cá, tán gẫu và thưởng thức món cá do chính mình câu được bên cạnh chai rượu nếp thơm nồng. Bên cạnh đó, du khách còn có dịp tham gia vào cuộc sống của người dân như:
Chèo thuyền trên những kênh rạch, ao hồ, câu cá, đi xe ngựa tham quan
các vườn cây ăn trái hay làng nghề truyền thống, thưởng thức loại trà
pha mật ong có mùi hương nhãn.
Cây thế được nghệ nhân làng vườn Bách Thuận tạo nên
Bên cạnh những vườn cây ăn quả là những vườn cây cảnh, cây thế. Mỗi loại cây cảnh đều mang một dáng nét riêng với những tên gọi khác nhau tuỳ theo sự uốn tỉa của các nghệ nhân.
Cây nhãn cổ thụ ở làng Bách Thuận
Ngoài thăm vườn cây cảnh và cây ăn quả du khách có thể đến thăm các ngôi nhà cổ có niên đại cả trăm năm hoặc đến với cảnh yên bình tĩnh lặng của chùa Từ Vân, chùa Bách Tính.
Cửa chùa Từ Vân
Làng vườn Bách Thuận còn có chợ Thuận Vi là một ngôi chợ quê nhưng không kém phần đông đúc, tấp nập. Đây cũng là nơi thương lái thu mua nông sản của làng vườn rồi đem bán lại ở các chợ trong thành phố Thái Bình hay Nam Định. Đặc biệt vào buổi sáng, chợ bày bán rất nhiều loại bánh hấp dẫn như bánh cuốn, bánh bèo, bánh hấp, bánh giò, bánh nếp, bánh tẻ, bánh mật, bánh chưng, bánh giày đỗ, bánh rán... trong đó bánh cuốn chợ Thuận Vi là loại bánh ngon có tiếng trong vùng, dễ khiến thực khách mê mẩn.
Vườn cây ăn quả của một cụ ông ở làng vườn Bách Thuận Với những nét đặc sắc của một vùng quê trù phú, Làng vườn Bách Thuận dần thu hút du khách gần xa đến thăm làng nghề truyền thống, chiêm ngưỡng nghệ thuật cây cảnh, tham khảo cách trang trí, xây dựng nhà vườn... và thưởng thức những món ngon dân dã địa phương, cùng hoa thơm, trái ngọt quanh năm.
Vườn hoa xuân mỗi dịp xuân về ở làng Bách Thuận
Làng vườn Bách Thuận rất phù hợp cho du khách vào các dịp nghỉ cuối tuần. Trong chuyến hành trình khám phá này du khách có thể mua các đặc sản địa phương về làm quà cho người thân như: mật ong nhãn, bột sắn dây, các loại hoa quả hay một vài cây cảnh về làm kỷ niệm.
Nguồn: Sưu tầm