Di tích lịch sử văn hóa Lăng Ông - Đền Bà Cam Xuân tọa lạc trên lô dất rộng khoảng 1000m2 bên bờ vịnh Cam Ranh, thuộc TDP Phúc Xuân, phường Cam Phúc Nam, thành phố Cam Ranh , tỉnh Khánh Hòa.
Truyền thuyết kể lại rằng, sau một trận chiến với quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh cùng một số quân lính ghé vào đây. Chung quanh là nước biển mặn chát, Nguyễn Ánh khấn vái và xin phép thần linh bản thổ cho quân nước ngọt để uống. Sau đó ông sai quân đào một hố gần bờ biển thì thấy mạch nước ngọt rất mạnh, đủ cho quân tướng ăn, uống và tạm thời sinh sống trong lúc chuẩn bị lên đường tiếp tục vào Nam để tìm phương sách chống lại quân Tây Sơn. Tưởng nhớ công ơn giúp đỡ, phò trợ này, năm 1801, sau khi lên ngôi lấy đế hiệu là Gia Long, Nguyễn Ánh cho xây dựng Đình làng Lăng Ông Nam Hải và Đền thờ Bà Thiên Y A Na để thờ cúng.
Tiếp tục các đời vua: Tự Đức (1850-1880), Đồng Khánh (1886), Duy Tân (1909-1911), Khải Định (1924), nhà Nguyễn đã 6 lần ban sắc phong Lăng Ông Nam Hải và 5 lần sắc phong Đền Bà Thiên Y A Na.
Lăng Ông - Khánh Hòa
Theo lời kể của các bô lão ở đây, cách đây 360 năm, một số ngư dân các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… đưa gia đình đến sinh sống hình thành làng Thạnh Vương. Họ chuyên sống bằng nghề biển như lưới đăng, mành cơm, lưới rút và làm nước mắm.
Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976, chính quyền cách mạng quy hoạch chuyển khu phố Cam Ranh đến thôn Xuân Ninh, xã Cam Phúc, huyện Cam Ranh nay là làng Cam Xuân tổ dân phố Phúc Xuân, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm việc bảo tồn và phát huy di sản, đã thành lập Ban Quản lý di tích để trông coi hương khói, phục vụ du khách về thăm. Quần thể Lăng Ông- Đền Bà gồm hệ thống các miếu thờ: ngoài điện thờ Lăng Ông Nam Hải, Chánh điện thờ 3 vị Tam thế, thờ đức Vua cha, thờ đức Mẫu, thờ hội Tứ phủ, thờ Ông Hỗ, tả ban thờ Đức Quan Thánh, hữu ban thờ Đức Trần Hưng Đạo.
Lễ hội Lăng Ông - Đền Bà diễn ra vào các ngày âm lịch hàng năm như 2-3 giỗ Mẹ Thiên Y A Na, 15-3 Lễ hội thanh minh, 22-8 giỗ cha Trần Hưng Đạo và còn nhiều lễ khác. Những ngày lễ này có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc duy trì phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương và gắn kết cộng đồng ở khu dân cư.