Cho đến nay, những người thợ thuộc Làng gốm Trung Dõng hầu như không ai xác định được một cách cụ thể về thời điểm làng gốm của mình ra đời, mà chỉ biết rằng, đấy là làng nghề truyền thống đã tồn tại trên dưới 200 năm, do những người thợ gốm từ Làng Phụng Tường, Bình Tiến (tỉnh Phú Yên) trong quá trình vào lập nghiệp ở Trung Dõng lập nên. Làng gốm Trung Dõng thuộc địa phận của xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh.
Làng gốm Trung Dõng - Khánh Hòa
Với nguồn nguyên liệu là đất sét sẵn có trong làng, sau khi nhào trộn nhiều lần cho thật nhuyễn, những người thợ với đôi bàn tay khéo léo của mình đã cho đất lên bàn xoay. Nghệ nhân khởi động bàn xoay bằng phương pháp tác động lực trực tiếp, bàn xoay quay đều theo chiều kim đồng hồ, vận tốc trung bình 70vòng/phút. Với óc sáng tạo và đôi bàn tay điêu luyện của nghệ nhân, sản phẩm từ từ hình thành trên bàn xoay.
Nếu quan sát trực tiếp, du khách sẽ cảm thấy thích thú và ngạc nhiên trước sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân, họ đã điều khiển những khối đất vô tri, vô giác tạo ra những sản phẩm có hồn như các loại nồi, lu đựng nước, bếp lò, chậu bông, bình bông và một số sản phẩm khác. Sau khi được phơi khô trong điều kiện tự nhiên, các sản phẩm được đưa vào lò nung. Nung gốm là cả một quy trình, một nghệ thuật điều tiết nhiệt độ được đúc kết từ thực tiễn, đòi hỏi người chủ lò phải dầy dạn kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về chất đất, độ dày mỏng trong từng sản phẩm để sắp xếp hợp lý, khoa học trong lò, tạo điều kiện cho các sản phẩm được tiếp xúc với ngọn lửa. Không những thế, người thợ nung gốm phải biết điều tiết nhiệt độ trong lò đến từng sản phẩm, trong từng thời gian cần thiết, để sản phẩm chín đều, không bị nứt, không bị cong vênh. Đây là khâu cuối cùng trước khi sản phẩm hoàn thiện.
Đã gần hai thế kỷ trôi qua, sản phẩm do Làng gốm Trung Dõng sản xuất đã đáp ứng yếu cầu sinh hoạt của nhân dân trong vùng, ngoài ra các thương gia đã chuyển đi bán ở nhiều nơi trong tỉnh, trong nước. Ngày nay, trong điều kiện khoa học phát triển, nhiều sản phẩm phục vụ đời sống được sản xuất bằng nhiều chất liệu khác nhau, tạo dáng đẹp, vừa tiện lợi, nhưng những sản phẩm gốm của làng Trung Dõng vẫn tồn tại và phát triển để giữ gìn và truyền lại cho con cháu nghề thủ công truyền thống lâu đời của bao thế hệ cha ông.
Nghề làm gốm ở Trung Dõng hiện nay tuy không còn thịnh vượng như ngày xưa, song đến làng nghề này du khách sẽ trực tiếp nhìn thấy phương pháp sản xuất gốm thủ công thật đơn giản, nhưng lại tạo ra những sản phẩm có giá trị cao về mỹ thuật và mỹ nghệ, qua đó hiểu thêm sự sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ cuộc sống.