Đền Trần Quý Cáp còn gọi là Trung Liệt Điện, tọa lạc trên khu vực Gò Chết Chém, sát cầu Trần Quý Cáp (cầu Sông Cạn) thuộc tổ 5, trung tâm thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Nơi đây, Trần Quý Cáp và các chiến sĩ của phong trào Cần Vương đã nêu cao chí khí kiên trung, bình thản đón nhận cái chết trước lưỡi gươm của kẻ thù; là nơi nhân dân ta mãi mãi ghi ơn những người con trung dũng ấy.
Đền thờ Trần Quý Cáp
Trần Quý Cáp, tự là Thích Phu, hiệu Thái Xuyên, sinh năm 1870 tại thôn Thai La, làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khi còn nhỏ, Trần Quý Cáp đã là người thông minh, ham hiểu biết và tỏ ra là một người có chí khí lớn. Tuổi thơ ông đã chứng kiến đám tang của Tổng đốc Hoàng Diệu khi thành Thăng Long thất thủ (1882), chứng kiến văn thân ở quê ông hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh Pháp.
Năm 1904, Trần Quý Cáp đậu tiến sĩ cùng với Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1906 ông được sung là Giáo thọ huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Ông đại diện cho những nhà ái quốc cách mạng trong phong trào Duy Tân và cổ súy cho phong trào kháng chiến chống Pháp ở miền Trung. Ông thường xuyên cùng các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu nghiên cứu tài liệu, nắm bắt những tư tưởng tiến bộ, nâng cao dân trí, dân quyền và tự lực tự cường dân tộc. Trần Quý Cáp tham gia sáng lập ra “Duy Tân hội”, chọn lọc nhiều thanh niên ưu tú đưa đi học ở Trung Quốc, Nhật Bản để làm nòng cốt cho phong trào cách mạng nước nhà sau này. Ông cũng tham gia thành lập “Tân Hội học” và được nhân dân trong vùng hưởng ứng đông đảo.
Bàn thờ chí sĩ Trần Quý Cáp tại Đền thờ Trần Quý Cáp
Ngày 15-6-1908, hai tháng sau khi bị bắt, Trần Quý Cáp bị kẻ thù đưa ra “trảm nêu” tại Cầu Sông Cạn. Đứng trước cái chết, Trần Quý Cáp đã dũng cảm, hiên ngang không chút sợ hãi. Ông bình thản, giằng khăn bịt mặt, đòi đặt 01 án thờ đốt hương ngoảnh mặt về hướng Bắc, lạy tạ quê hương, lạy tạ quốc dân, chào những người đến tiễn biệt rồi khẳng khái giơ đầu cho kẻ thù chém. Nét mặt của ông không hề biến sắc, vẫn điềm đạm, trang nghiêm như khi giảng sách, bình văn cho học trò.
Di tích lưu niệm danh nhân Chí sĩ Trần Quý Cáp
Cái chết của Trần Quý Cáp không những làm cho nhân dân vô cùng thương cảm, phẫn uất, mà ngay cả quan lại công chức đương thời cũng xót xa, khâm phục ý chí của người anh hùng. 10 năm sau khi xử chém, hài cốt của ông mới được an táng tại quê nhà. Hiện nay mộ phần của ông tại Quảng Nam đã được Nhà nước công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Miếu được xây dựng năm Canh Tuất 1970, có cấu trúc tân thời không giống lối cấu trúc của miếu Trịnh Phong hay các miếu khác ở Diên Khánh. Miếu cấu trúc theo lối đền đài pha lẫn cấu trúc hiện đại. Vì thế nhân dân Diên Khánh vẫn quen gọi là đền thờ Trần Quý Cáp.
Miếu thấp nhỏ, xây theo lối cổ lầu, bốn mái kích thước bằng nhau quay theo 4 hướng. Trên các góc mái ở cổ lầu và mái hạ đều có trang trí hoa văn đắp nổi theo lối tân thời. Miếu xoay về hướng Đông, nhìn xuống dòng sông Cạn. Trước miếu có cột cờ cao 3,5m, xây trên bồn nước hình lục giác. Hai bên cột cờ, mỗi bên đều có “Lư vọng liệu” cao 1,5m, ba chân chắc chắn cấu trúc hình móng cọp đặt trên bệ đúc tròn. Đây là nơi dùng để đốt bài vị trong những lúc tế lễ, hoặc đốt thắp sáng trong những ngày nhang khói.
Nhân dân và BLĐ tỉnh ủy thường xuyên đến dưng hương tại Đền thờ Trần Quý Cáp
Trên cổ lầu, ở mặt trước có ghi dòng chữ “TRUNG LIỆT ĐIỆN” (điện thờ bậc trung liệt). Miếu có diện tích 12m2, nền lát bằng gạch hoa. Bên trong đền có các bảng hiệu với dòng chữ “Trung nghị cảm nhận” (cảm phục người trung) và các câu đối. Ngoài khám thờ là các câu đối ca ngợi chí anh hùng ngời sáng của những liệt sĩ có công với nước. Sau khám thờ là câu đối ca ngợi liệt sĩ Trần Quý Cáp, một nhà giáo dục lớn, có danh tiếng. Giữa điện thờ có ghi danh 03 liệt sĩ: Phía trái: Khánh Hòa Cần Vương, nghĩa quân đại vương Trịnh Phong; Ở giữa: Quảng Nam Sung Tân Định Giáo thọ Trần Quý Cáp; Phía phải: Diên Khánh Cần Vương tham tán quân vụ Nguyễn Khanh. Hằng năm, vào ngày 17/5 âm lịch, nhân ngày mất của chí sĩ Trần Quý Cáp, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân và các em thiếu nhi của Thị Trấn và huyện Diên Khánh cùng gia đình đến thắp hương tưởng niệm người chí sĩ yêu nước Quảng Nam đã hy sinh trên mảnh đất Diên Khánh -Khánh Hòa.
Đài tưởng Niệm Trần Quý Cáp
Ngày nay, việc bảo vệ, tôn tạo Di tích lịch sử Trần Quý Cáp là trách nhiệm, là tình cảm của mọi người dân Diên Khánh - Khánh Hòa, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, thể hiện tấm lòng tưởng nhớ và tri ân đối với những bậc tiền nhân đã hy sinh cho tổ quốc mãi mãi trường tồn.
Nguồn: Siêu tầm