Chùa Non - Núi Thần Đinh

Núi Thần Đinh là một vùng đất có vị trí địa lí khá độc đáo. Nếu đứng ở núi nhìn về hướng Đông, du khách sẽ ngắm được toàn bộ khung cảnh rộng lớn đồng bằng bát ngát xanh. Thu hút du khách tới còn có Chùa Non hay còn gọi là Chùa kim Phong và Miếu Thần. Đây là nơi chứa nhiều sự tích lịch sử nhất tại tỉnh Quảng Bình. Từ ngọn núi cho đến ngôi đền thờ, từ những cái cây, dòng suối cho đến những mỏm đá, vách núi đều mang một câu chuyện dân gian.

Chùa Non – Núi Thần Đinh
Núi Thần Đinh đứng trên một vùng đất có vị trí địa lí khá độc đáo

Núi Thần Đinh thuộc xã Trường Xuân, tỉnh Quảng Bình. Núi Thần Đinh không cao, chỉ cao 342m nhưng là ngọn núi đá tách dãi Trường Sơn ra đồng bằng ven biển. Từ Đồng Hới du khách theo thuyền ngược Nhật Lệ, lên Long Đại, rẽ sông Rào Đá là đến núi. Nếu theo đường bộ thì theo Quốc lộ 1A lên Quán Hàu, rẽ đường 4B gặp đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn, vào quá cầu Long Đại, rẽ về tây là lên núi. Độ dài 25km thủy bộ tương đương. Ai theo đường sắt thì từ Thuận Lý vào Lệ Kỳ, đến ga Long Đại là có đường bộ lên Thần Đinh.

Chùa Non – Núi Thần Đinh
Đường lên Chùa Non cheo leo khó đi

Theo sử sách và văn bia ghi lại, từ xưa trên núi Thần Đinh có chùa Kim Phong cổ tự (chùa cổ Kim Phong) dân gian quen gọi là Chùa Non.

Theo văn bia núi Thần Đinh thì Thần Đinh có phong cảnh đẹp nổi tiếng gần cố đô Huế. Núi có 3 đỉnh là đỉnh Kỳ Lân phía đông, đỉnh Thần Đinh phía tây bắc, đỉnh Long Lão cao nhất ở tây nam. Ba Đỉnh chầu lại thành thung lũng trên núi được nối kết bởi sườn núi đất như yên ngựa. Ở đó có Kim Phong cổ tự dựa lưng vào núi đất, có tháp bên tả, có miếu Thần Đinh Sơn bên hữu. Cạnh bên tả chùa có hang núi. Chùa hướng về bắc, nhìn ra cửa Nhật Lệ.

Chùa Non – Núi Thần Đinh
Con đường leo núi Thần Đinh để lên được Chùa Non thật không dễ dàng

Để hình thành vườn chùa và các vườn cây thuốc, hoa quả trên núi, người xưa đã gia công xây kè thành nhiều khoảng bậc thang đến gần giếng Tiên và cửa động Thần Đinh. Có kè đá cao hơn 2m. Các kè đá còn nguyên nhưng đang bị che phủ bởi cây cối, dây leo chằng chịt chưa được tu tạo lại. Chùa có từ bao giờ không ai biết. Dựa vào văn bia có thể biết rằng từ trước thế kỷ 17, Hoàng Phủ Chân Quân, một vị tu sĩ đắc đạo đã ở chùa, tu luyện và viết binh thư. Khi Đào Duy Từ đầu thế kỷ 17 vào Nam, đến núi được Hoàng Phủ Chân Quân truyền cho binh thư.

Chùa Non – Núi Thần Đinh
Chùa Non - Núi Thần Đinh là nơi du lịch tâm linh nổi tiếng của Quảng Bình

Cuối thế kỷ 17, sư An Khả trụ trì trên núi, năm 1701 cho lập ruộng tam bảo để mở mang chùa. Nhưng sau đó chùa bị hỏa hoạn thiêu rụi. Đến năm 1807 hội thiện chùa Cảnh Tiên (Dinh Mười) lên tôn tạo lại nhưng không thành. Năm 1825 đại sư Trần Gia Hội từ chùa Thiên Mụ ra, đã cho dựng chùa tranh trên núi và tu luyện ở đây. Năm 1829, hưu quan Lê Văn Trúc cùng cựu xã trưởng Cổ Hiền và nhiều thiện nam tín nữ quyên góp hương công xây dựng chùa, miếu trên núi bằng gạch ngói; xếp 1225 bậc đá ở chân núi phía nam lên sườn núi để đến chùa. Đồng thời cho xây dựng nhà tăng cho các sư tăng ở chân núi ở thôn Rào Đá, sau gọi là nhà thiền sơ; cho đúc chuông, rước 11 pho tượng lên núi.

Chùa Non – Núi Thần Đinh
Du khách đến đây cầu an và thắp nhan hương ở bất kỳ nơi nào họ cảm thấy nên

Lên núi, chiêm bái ở chùa, ở miếu, xuống giếng Tiên lấy nước thánh, vào động Thần Đinh chiêm ngưỡng quần thể các vị Phật cuối động do mầm đá tạo ra và tán lọng do nhũ đá tạo ra bên vách với nhiều ảnh sắc kỳ bí, huyền diệu thì du khách tha hồ tưởng tượng. Cũng vì vậy mà gieo vào tâm linh một đức tin thánh thiện.

Chùa Non – Núi Thần Đinh
Xong cầu an du khách lại xếp hàng lấy nước thánh từ Chùa Non

Xuống núi, đứng ở bờ bắc Long Đại nhìn lên, mặt trên của núi tạc dáng hình Phật Bà đang nằm gối trên đỉnh Kỳ Lân phía đông, ngực căng đầy do 2 đỉnh Thần Đinh và Long Lão tạo nên, chân duỗi vào Lồng Đèn (Rào Trù) phía tây. Núi Thần Đinh đang là điểm đến của nhiều du khách.

Nguồn: Sưu tầm

Địa điểm khác trong vùng

Di Tích Lịch Sử Hang Lèn Hà

Hang Lèn Hà ở Quảng Bình được xem là một trong những di tích lịch sử rất ý nghĩa, là điểm du lịch Quảng Bình...

Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi cao, cây cối thoáng mát của dẫy núi An Mã thuộc xã Trường Thủy, huyện...

Đền Thờ Bà Chúa Liễu Hạnh

Đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa hay còn gọi là Đền thờ Bà chúa Liễu Hạnh nằm dưới chân núi Đèo Ngang, ở một khu...

Chùa Non - Núi Thần Đinh nằm trong

Quảng Bình

23 địa điểm ở đây

Quảng Bình xưa còn có những tên như Lâm Bình, Tiên Bình, Tây Bình, Tân Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung...