Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa là một ngôi nhà được xây theo kiến trúc Pháp, được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, với một tầng lầu, hai lối đi lên riêng ngay bên trong. Bảo tàng hiện đang bảo quản gần 10.000 hiện vật gốc, hơn 5.000 tư liệu hình ảnh thuộc về các thời kỳ lịch sử khác nhau, trong đó có nhiều hiện vật thuộc loại quý hiếm.
Bảo Tàng Khánh Hòa
Nhiều hiện vật tiêu biểu như sưu tập rìu đá, đồ trang sức bằng đá thuộc văn hóa Xóm Cồn (cách ngày nay khoảng 3.500 năm), trống đồng Nha Trang (niên đại cách đây 2.000 năm), điêu khắc đá Chămpa (thế kỷ IX đến thế kỷ XIV), tiền cổ (từ thế kỷ IX đến thế kỷ XVIII), đồ gốm thương mại (từ thế kỷ IX đến thế kỷ XVIII), sưu tập vũ khí trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hệ thống trưng bày đang giới thiệu các chuyên đề: các văn hóa cổ ở Khánh Hòa, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, giai đoạn 1930 – 2002, thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) chuyên đề các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều hiện vật cổ được trung bày ở Bảo tàng Khánh Hòa
Hiện nay, do điều kiện không gian trưng bày chật hẹp, chỉ gồm hai phòng với tổng diện tích trên 200m², bảo tàng chỉ mở cửa giới thiệu một số nhỏ hiện vật đang lưu giữ và bảo quản. Tuy nhiên, chỉ như vậy cũng đã có sức thu hút đối với người xem, bởi đây là những hiện vật nguyên bản của thời tiền sơ sử được tìm thấy trong những đợt khai quật ở Khánh Hoà 20 năm trở lại đây. Bước chân vào cổng bảo tàng, chúng ta gặp ngay bia Võ Cạnh, là tấm bia được tìm thấy ở xã Vĩnh Trung, Nha Trang, được làm bằng đá có viết chữ Phạn thuộc niên đại thế kỷ thứ II sau Công Nguyên. Còn khu vực chính của bảo tàng là bia đá Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh. Tại bảo tàng, người xem được thấy loại nhạc cụ độc đáo: đàn đá Khánh Sơn, là một nhạc cụ của người Rắc Lây đã biến mất từ lâu, sau đó được phát hiện vào năm 1978.
Vòng đeo tay thời xưa được trưng bày ở Bảo tàng Khánh Hòa
Trống đồng Khánh Hoà cũng chiếm một phần quan trọng trong khu được tìm thấy ở đường Đồng Nai, Nha Trang vào năm 1983 do một người dân đào đất tình cờ phát hiện. Chiếc trống còn khá nguyên vẹn với chiều cao 42cm, mặt tang rộng 54cm. Trên mặt trống, ngay trung tâm, là ngôi sao 12 cánh, bao quanh là hoạ tiết chim mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Bên cạnh đó là các trống đồng mới tìm thấy tại Ninh Phụng, huyện Ninh Hoà vào các năm 2002 - 2003 do các người dò tìm phế liệu tình cờ phát hiện.
Trống đồng được trưng bày ở Bảo tàng Khánh Hòa
Một góc bảo tàng giới thiệu các đồ gốm, kiến trúc Chăm đã có một thời rực rỡ. Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng, một người sinh ra và lớn lên ở Khánh Hoà đã được dành một góc riêng tại bảo tàng để giới thiệu những tượng đất Chăm nghệ thuật do anh sáng tác, nung theo lối người Chăm (phủ rơm, củi lên đồ gốm rồi đốt lửa chứ không nung bằng lò). Bạn sẽ bất ngờ trong một không gian gốm Chăm kỳ ảo, như mỗi tác phẩm đều có một hồn riêng. Chính những tác phẩm gốm Chăm của Đoàn Xuân Hùng đã tạo nên một nét chấm phá cho không gian bảo tàng, gây sức hút đối với người xem.
Nhiều hiện vật mang dáng vẻ Chăm được trưng bày ở Bảo tàng Khánh Hòa
Mỗi năm Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đón tiếp hơn 20.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, đồng thời đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như bộ sách nghiên cứu nhiều tập: Khánh Hòa, diện mạo văn hóa một vùng đất, Văn hóa Xóm Cồn, được giới khoa học trong nước đánh giá cao.